Hướng dẫn cách đọc giá trị điện trở đơn giản và chính xác

Điện trở là một linh kiện điện tử rất phổ biến trong các mạch điện tử, điện trở thường có những vạch màu ở trên thân của nó, có chức năng thể hiện được giá trị và sai số của điện trở. Và câu hỏi thường gặp về linh kiện này nhất là làm thế nào để tính giá trị của một điện trở? Để biết giá trị của một điện trở, chúng ta có thể sử dụng đồng hồ đo Ohm hoặc phần mềm đọc mã màu trên điện trở. Nhưng nếu bạn không có 2 công cụ trên thì làm thế nào để bạn biết được giá trị điện trở đang cầm trên tay dựa vào các vạch màu trên thân của chúng? Hãy cùng Bảo An tìm hiểu về cách đọc giá trị điện trở trong bài viết dưới đây. 

1. Điện trở là gì?

 

Điện trở là linh kiện điện tử thụ động với 2 tiếp điểm kết nối, được cấu tạo từ nhiều thành phần và thường có các vạch màu trên thân của nó. Điện trở có chức năng điều chỉnh mức độ tín hiệu, hạn chế cường độ dòng điện chạy trong mạch. Ngoài ra, điện trở còn được dùng để chia điện áp, kích hoạt linh kiện điện tử chủ động như transistor, tiếp điểm,… Đơn vị đo điện trở được tính bằng Ohm.

 
 
Điện trở là gì?
Hình 1: Điện trở là gì?

2. Công dụng của điện trở

 

Điện trở có rất nhiều công dụng khác nhau, cụ thể trong mạch điện hoặc mạch điện tử. Một số công dụng của điện trở có thể kể đến như:

- Khống chế dòng điện qua tải cho phù hợp
- Phân cực cho bóng bán dẫn hoạt động
- Mắc điện trở thành cầu phân áp nhằm có được điện áp theo ý muốn từ một điện áp trước đó.
- Sử dụng trong các mạch dao động RLC

3. Các loại điện trở phổ biến hiện nay

 

Điện trở được có rất nhiều loại và hình dáng khác nhau tùy thuộc vào ứng dụng của chúng. Dưới đây là một số loại điện trở được dùng phổ biến hiện nay.

- Điện trở carbon: Điện trở này có tên gọi khác là điện trở than, nó được chế tạo bằng cách ép hỗn hợp bột than với chất kết dính thành dạng trụ và thanh có vỏ bọc bằng sơn hoặc bằng gốm.

- Điện trở dây quấn: Điện trở này được chế tạo bằng cách quấn dây kim loại, đặc tính của loại điện trở này là dẫn điện kém nhưng chịu được dòng điện lớn

- Điện trở film: Loại điện trở này được chế tạo bằng cách kết tinh kim loại, carbon hoặc oxide kim loại trên lõi gốm. Độ dày film và các đường xoắn ốc sẽ được tạo ra trên bề mặt nhằm quyết định giá trị điện trở.

- Điện trở xả: Loại điện trở này được sử dụng phổ biến cho biến tần khi điều khiển động cơ có quán tính lớn hay cần giảm tốc nhanh. Khi dừng theo quán tính, động cơ vẫn quay và nó trở thành máy phát điện, năng lượng này sẽ cấp ngược lại biến tần và biến tần cần xả năng lượng dư thừa này ra bên ngoài qua điện trở xả, chuyển từ năng lượng điện sang năng lượng nhiệt.

  • Tham khảo các sản phẩm điện trở xả hiện đang được phân phối ở Bảo An tại website baa.vn.

  • Xem ngay hình ảnh và thông số kỹ thuật của sản phẩm Điện trở xả (điện trở hãm) SIKES RXG20-200W/47RJ hiện đang được phân phối ở Bảo An tại đây.

4. Hướng dẫn cách đọc giá trị điện trở

 

Qua các phần trên, Bảo An đã giúp bạn hiểu được về điện trở là gì? Công dụng của điện trở và các loại điện trở phổ biến. Vậy làm thế nào để đọc được giá trị của một điện trở dựa trên các vạch màu trên thân của chúng? Hãy cùng tìm hiểu về cách đọc giá trị điện trở trong phần dưới đây. 

a. Bảng màu để tính giá trị điện trở

 

Tiêu chuẩn quốc tế CEI 60757 (1983) có quy định một bảng màu để tính giá trị của một điện trở. Trong đó, màu sắc được quy ước thành các chữ số theo bảng sau

 
Bảng mã màu để tính giá trị điện trở
Hình 2: Bảng màu để tính giá trị điện trở

b. Cách đọc giá trị điện trở với điện trở có 4 vạch màu

 

Cách đọc giá trị điện trở có 4 vạch màu khá đơn giản với các bước như sau:

 Bước 1: Cần xác đúng hướng nhìn của điện trở. Ở một bên của điện trở, sẽ có một vòng màu nằm tách biệt với các vòng màu còn lại. Vòng màu này nên được đặt ở phía bên phải của điện trở.

Xác định hướng nhìn của điện trở
Hình 3: Xác định hướng nhìn của điện trở

Bước 2: Khi đã định hướng chính xác chiều của điện trở, tiếp theo ta cần xác định thứ tự vòng màu và màu trên mỗi vòng. Sau đó, tiến hành so sánh với bảng mã màu tiêu chuẩn.

Xác định thứ tự vòng màu
Hình 4: Xác định thứ tự vòng màu

Bước 3: Đối chiếu từng vòng màu trên điện trở theo bảng mã màu như sau:

- Vòng màu đầu tiên đại diện cho chữ số đầu tiên của giá trị điện trở. Ví dụ như điện trở trong hình dưới đây, vòng màu đầu tiên là màu đỏ. Nó tương ứng với số “2” trên dải màu đầu tiên của bảng màu.

Đối chiếu vòng màu đầu tiên
Hình 5: Đối chiếu vòng màu đầu tiên

- Vòng màu thứ hai đại diện cho chữ số thứ hai của giá trị điện trở. Trên điện trở này, vòng màu thứ hai là màu đỏ. Ứng với dải màu của bảng màu là số “2”.

Đối chiếu vòng màu thứ hai
Hình 6: Đối chiếu vòng màu thứ hai

Hai vòng màu đầu tiên gộp lại chúng ta được số “22”. Hai vòng đầu tiên này sẽ luôn biểu thị cho một con số từ 01 đến 99.

- Vòng màu thứ ba đại diện cho hệ số nhân. Đối với điện trở này, vòng màu thứ 3 có màu nâu, biểu thị cho hệ số nhân là 10.

Đối chiếu vòng màu thứ ba
Hình 7: Đối chiếu vòng màu thứ ba

- Bây giờ chúng ta có thể tính được giá trị của điện trở như sau: đem hai chữ số đầu tiên nhân với hệ số nhân tương ứng với mã màu (tính bằng Ω). Điều này có nghĩa điện trở đỏ, đỏ, nâu của chúng ta có giá trị 220Ω.

- Tuy nhiên trên thực tế, không có một điện trở nào có giá trị chính xác tuyệt đối. Vòng màu thứ tư thể hiện giá trị sai số của điện trở (được tính bằng %). Với màu hoàng kim trên điện trở tương ứng với sai số trong khoảng 5%. Do đó giá trị điện trở tương đương với 220Ω ± 5%.

Đối chiếu vòng màu thứ 4
Hình 8: Đối chiếu vòng màu thứ 4

c. Cách đọc giá trị điện trở với điện trở 5 vòng màu

- Tương tự với điện trở với điện trở có 4 vòng màu, ta sẽ có quy ước cách đọc giá trị điện trở với điện trở 5 vòng màu như sau: 

+ Vạch màu thứ nhất: Vạch này có giá trị chỉ hàng trăm trong giá trị điện trở
+ Vạch màu thứ hai: Vạch này có chức năng chỉ giá trị hàng chục trong giá trị điện trở
+ Vạch màu thứ ba: Vạch này có chức năng chỉ giá trị hàng đơn vị trong giá trị điện trở
+ Vạch màu thứ bốn: Vạch này có chức năng chỉ hệ số nhân với giá trị số mũ của 10 dùng nhân với giá trị điện trở
+ Vạch màu thứ năm: Vạch này có chức năng chỉ giá trị sai số của điện trở

- Ví dụ: Một điện trở có 5 vạch màu lần lượt là màu đỏ (tương ứng với số 2 ở hàng trăm), màu tím (tương ứng với số 7 ở hàng chục), màu vàng (tương ứng với số 4 ở hàng đơn vị), màu đỏ (tương ứng với hệ số nhân là 100) và màu nâu (tương ứng với sai số 1%) sẽ có giá trị là 27.400Ω ± 1% hay 27,4kΩ ± 1%. 

ách đọc giá trị điện trở 5 vòng màu
Hình 9: Cách đọc giá trị điện trở 5 vòng màu
Kết luận: Qua bài viết trên, Bảo An đã giúp bạn hiểu được về điện trở là gì, công dụng của điện trở và một số loại điện trở phổ biến cũng như đưa đến cho bạn cách đọc giá trị điện trở dựa trên các vòng màu. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho công việc của bạn. 
 913      03/04/2024

  Bảo An Automation

CÔNG TY CP DỊCH VỤ KỸ THUẬT BẢO AN
Văn phòng và Tổng kho Hải Phòng: Khu dự án Vân Tra B, An Đồng, An Dương, Hải Phòng, Việt Nam
Văn phòng và Tổng kho Hà Nội: Số 3/38, Chu Huy Mân, Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam
Văn phòng và Tổng kho Hồ Chí Minh: Số 204, Nơ Trang Long, phường 12, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nhà máy: Khu dự án Vân Tra B, An Đồng, An Dương, Hải Phòng, Việt Nam
Hotline Miền Bắc: 0936 985 256
Hotline Miền Nam: 0936 862 799
Giấy CNĐKDN: 0200682529 - Ngày cấp lần đầu: 31/07/2006 bởi Sở KH & ĐT TP HẢI PHÒNG
Địa chỉ viết hóa đơn: Số 3A, phố Lý Tự Trọng, P. Minh Khai, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, Việt Nam
Điện thoại: 02253 79 78 79
 Thiết kế bởi Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Bảo An
 Email: baoan@baoanjsc.com.vn -  Vừa truy cập: 43 -  Đã truy cập: 128.285.496
share